Lối đi ngay dưới chân mình
Điểm 4.6/5 dựa vào 87 đánh giá
Tôi rất thích quan sát những đứa trẻ chơi trong công viên. Hầu như lần nào tôi cũng thấy có một vài bé bị ngã. Rất nhiều cháu nằm im trên mặt đất, gào khóc, chờ người thân chạy đến an ủi, dỗ dành.
Trò “đánh chừa” một cái gì đấy ngay trên “hiện trường” thường có tác dụng làm dịu tiếng khóc của trẻ thơ. Rất ít cháu tự đứng dậy và xoay xở một mình.
Thay vì vội vàng đến đỡ con dậy và chăm sóc vết thương cho con, ông bố bà mẹ của những đứa trẻ tự lập này cố tình đứng ở xa để quan sát con. Họ không “đánh chừa” một vật nào đấy để trút nỗi bực bội của con lên đầu những thứ vô tri vô giác.
Họ hỏi con nguyên nhân thật sự của việc vấp ngã. Vì mãi chạy theo cho kịp bạn. Vì nhìn mây bay trên bầu trời xanh. Vì vừa đi vừa nghĩ xem nên chơi trò gì tiếp theo. Điều quan trọng là để trẻ tự hiểu, việc vấp ngã là do trẻ không chịu quan sát đường đi.
Lối đi ngay dưới chân mình. Phải mất bao lâu thì một con người mới hiểu được ý nghĩa của những dòng chữ súc tích ấy?
Tôi không thể nhớ nổi đã bao nhiêu lần đau đớn vì vấp ngã nữa. Không phải chỉ có những đứa trẻ mải chơi mới trượt chân đâu. Làm người lớn rồi vẫn cứ bị đời “đo ván” như thường.
Những khi thất bại và tuyệt vọng, tôi thường đổ lỗi cho sự thiếu may mắn vì trót sinh nhầm giờ xấu, trót ra đường vào ngày xấu. Chẳng qua đó cũng là cách để tự an ủi mình.
Tự “đánh chừa” những lý do trời ơi đất hỡi để phỉnh nịnh niềm kiêu hãnh bị tổn thương của mình.
Khi không thể trốn vào bóng tối để khóc than cho số phận, tôi gọi bạn bè đến để được phơi bày những thất vọng ê chề. Bạn bè thường giống những ông bố, bà mẹ chỉ biết một bài “đánh chừa”. Họ viện ra muôn vàn lý do cực kỳ hợp tình hợp lý để tôi tin rằng: trượt đại học vì kém may mắn, bị phụ tình vì người tình không biết nhận ra “ngọc ẩn trong đá”, không xin được việc làm tử tế vì việc tuyển nhân sự đang vướng phải vấn nạn phong bì cửa sau...
Bạn bè “đánh chừa” vào không khí. Quả thật tôi cũng phần nào nguôi ngoai. Tôi nhìn lên trời, chứa chan hy vọng và đi tìm những cơ hội mới.
Thỉnh thoảng lại vướng vào vòng luẩn quẩn, chẳng thể tìm thấy lối đi riêng. Cho đến một ngày, có người bạn chán chả buồn an ủi nữa, họ bảo thẳng vào khuôn mặt đờ đẫn của tôi: “Nếu bạn là một người đàn ông, thì tôi đã cho bạn một cái tát rồi. Bạn có một cái nền vững mà chính bạn cũng không biết. Gia đình bạn mạnh về kinh tế. Bạn được học hành đến nơi đến chốn. Bạn hơn chúng tôi nhiều thứ. Nếu bạn thua cuộc, bạn còn nhiều cơ hội để làm lại.
Bạn chẳng có lý do gì để ngồi một chỗ và chờ số phận may mắn đến mỉm cười, nâng cánh cho bạn bay cả. Tôi chán nhìn thấy bạn khóc lóc và than vãn rồi. Tôi chán phải an ủi một người chỉ biết nhìn thấy kẻ khác may mắn hơn mình, mà không chịu nhận ra mình còn may mắn hơn rất nhiều kẻ khố rách áo ôm như chúng tôi!”.
Hãy thử tưởng tượng một người đang tuyệt vọng bị dội thêm cả xô nước lạnh vào đầu, họ sẽ thế nào?
Lúc đó, đầu óc tôi như cái cối xay gió, quay mòng mòng theo từng lời nói thẳng thắn và có phần lạnh lùng kia. Tôi vênh mặt, thách người bạn tri âm tri kỷ của mình: “Đằng nào tôi cũng đến bước đường cùng rồi, hãy tát tôi đi!”.
Thêm một giọt nước nữa cũng đủ để nỗi tuyệt vọng tràn ly. Anh ta nhìn sâu vào mắt tôi, một cái nhìn không để lộ chút tình cảm nào, rồi đút tay vào túi, dứt khoát bỏ đi.
Ngày hôm ấy, tôi đứng chôn chân trong công viên, cảm giác như toàn thể nhân loại đã bay hết vào vũ trụ, bỏ lại tôi bơ vơ một mình.
Cho tới khi tôi nhìn thấy những đứa trẻ vấp ngã. Sao lại có nhiều đứa trẻ vấp ngã đến thế, trong cái thời khắc tôi muốn nhảy ùm xuống hồ sâu, cho mọi người khóc than, tiếc nuối, hối hận?
Cái cối xay gió trong đầu tôi ngừng quay. Tôi nhớ lại mẹ tôi từng xót xa như thế nào và tôi đã hả hê ra sao khi được nhìn những thứ vô tri vô giác bị mẹ “đánh chừa”. Tôi từng tin vì chúng, chứ không phải vì sự bất cẩn của bản thân, khiến tôi ngã dúi dụi.
Bao nhiêu năm bị ru ngủ trong những ý nghĩ kỳ quặc như vậy, tôi quên mất mình đang được bước đi trên một tấm thảm nhung lụa. Chỉ có tôi làm tôi đau. Nhung lụa chắc chắn không đáng để bị đem ra “đánh chừa”.
Cuối ngày hôm ấy, tôi nhận được tin nhắn của người bạn vừa nói như hắt nước vào mặt mình: “Bao giờ bạn đủ sức đi lên phía trước, hãy nhìn lại phía sau nhé! Tôi còn đi cách xa bạn hàng cây số, tôi đang bò trên con đường đầy chông gai của chính mình”.
Từ đó, tôi hay vào công viên ngắm những đứa trẻ đùa vui. Bao giờ cũng có một vài bàn chân thiên thần vấp ngã và rớm máu. Hy vọng, chúng sẽ học được kinh nghiệm đi đường tốt hơn tôi...
Nguồn thegioiphunu-pnvn.com.vn
Không có nhận xét nào